Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

ĐƯỜNG ĐI CỦA ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG - KHẢO SÁT & SUY NGẪM (P2)



3. Đi tìm giải pháp...

Từ một số khảo sát trênđây, chúng tôi cho rằng hiện nay chúng ta cần đặt định rõ hướng đi trong hiện tại và tương lai. Phảicụ thể hóa mọi khái niệm và hành động. Những chuyện "sợi tóc chẻ làm tư" thường làm cho nhiều người khó chịu song khoa học là như thế. Đã đến lúc phải nói và làm cái chuyện "thà muộn còn hơn không"!

-Vấn đề thứ nhất: Trước hết chúng ta cần xác định rõ bảo tồn vốn có nghĩa là giữ lại không để cho mất đi(2)nên tính nguyên vẹn của đối tượng cần được đặt lên hàng đầu. Do đó, việc bảo tồn các giá trị cổ nhạc trong xã hội Việt Nam đương đại nhất thiết phải quán triệt theo nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn. Việc cải biên, cải tiến đối tượng theo cái gọi là "góc nhìn thời đại" thì sẽ không còn là bảo tồn nữa. Vấn đề đặt ra chỉ còn là thế nào lànguyên vẹn? Và, phương pháp bảo tồn như thế nào?
Về tính nguyên vẹn của đối tượng, chúng ta cần căn cứ chặt chẽ vào hệ thống tư liệu vang và các nghệ nhân đầu ngành. Từ đó xác định rõ những quy chuẩn cổ điển nhất mà chúng tacó thể ghi nhận được. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ chi phối các biện pháp bảo tồn của chúng ta. ở đây, chúng tôi rất tâm đắc với quan điểm của GS - TSKH Tô Ngọc Thanh rằng: "Không thể cải tiến vốn văn hóa cổ truyền mà không làm biến đổi nó thành một thứ khác(3). Trên luận điểm đó, ông đã phê phán mọi hành động "cải biên, cải tiến và nâng cao" các giá trị nghệ thuật cổ truyền. Một luận điểm mà cho đến nay vẫn có rất nhiều người phê phán là "cực đoan" và "đi ngược lại với quy luật phát triển". Cho dù họ cũng biết rằng chúng ta đã để mất mát quá nhiều các giá trị nghệ thuật cổ truyền. Đây chính là nguyên nhân mà từ năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin đưa nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể lên thành Mục tiêu IV trong Chương trình văn hóa quốc gia. Do đó, chúng ta nên đặt địnhbảo tồn như một nhiệm vụ chuyên biệt, vừa nằm ngoài vừa nằm trong động thái phát triển chung của văn hóa - nghệ thuật.

Cụ thể, trong hệ thống giáo dục và đào tạo, việc dạy và học cổ nhạc phải được thể chế hóa để việc lưu truyền các giá trị không bị đứt đoạn theo thời gian. Cổ nhạc cần được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc một cách có hệ thống từ các trường phổ thông đến các trường đại học. Cần tạo dựng những nhà hát, những trung tâm kiểu mẫu (tức chỉ có một nhiệm vụ duy nhất) chuyên biểu diễn và quảng bá từng thể loại nghệ thuật cổ truyền. ở những nơi đó, ngoài âm nhạc, mọi thành tố khác của nghệ thuật trình diễn như không gian mỹ thuật, trang phục, ánh sáng, vị trí của người biểu diễn và khán giả... cũng cần được phục hưng toàn diện và triệt để. Điều đó sẽ tạo ra cái mà chúng ta thường gọi là không gian văn hóacủa từng thể loại. Trong giáo dục và đào tạo, cần khai thác triệt để những nghệ nhân giỏi với chế độ đãi ngộ xứng đáng để tránh tình trạng dấu nghề. Bên cạnh đó, ưu tiên đặc biệt cho những sinh viên tài năng, nhanh chóng tạo dựng đội ngũ nghệ nhân kế cận. Trong trường nhạc quốc gia, lớp cổ nhạc cần được đào tạo theo mô hình chuyên biệt. Các sinh viên đến đó chỉ chuyên tâm học cổ nhạc mà không phải học những môn kiến thức khác. Cách đào tạo mũi nhọn kiểu như vậy chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao. Hơn nữa, nó còn giảm thiểu tối đa thời gian và kinh phí đào tạo. Về phương pháp truyền dạy, cần coi trọng và duy trì phương pháp truyền khẩu, truyền ngón nghề trực tiếp. Nên bỏ hệ thống ký tự:đo, re, mi... (kiểu Tây) như đã dùng mấy chục năm qua. Riêng đối với Tuồng, Tài tử - Cải lương, Cung đình Huế, Thính phòng Huế là các thể loại có hệ thống văn bản với ký tự: Hò, Xự, Xang... (kiểu ta) thì nên bảo lưu, trong đó viết bằng chữ Nôm thì càng tốt. Ngoài vấn đề bảo tồn, ở đây chúng tôi còn nhận thấy tính ưu việt của phương thức dạy học cổ truyền. ở đó, lòng bản chỉ là một thứ xương cốt để nghệ nhân dựa vào đó mà ứng tấu. Với phương thức này (thậm chí không cần bản nhạc), ngườitrò có thể giành hầu như toàn bộ tâm lực để cảm nhận, nắm bắt trực tiếp mọi sắc thái tinh tế của tác phẩm qua người thầy, từ thang âm, phương thức vận hành giai điệu, phương pháp trang điểm các chữ đàn cho đến bước đi của nhịp điệu v.v… Theo đó, khả năng ngẫu hứng củathầy cũng dần được chuyển giao. Và, một nghệ nhân cổ nhạc thực thụ sẽ được sinh ra với đầy đủ chức năng vốn có (nhạc công + nhạc sĩ sáng tác tại chỗ). Với bản nhạc trên năm dòng kẻ kiểu Tây, ngườitrò tất nhiên bị lệ thuộc vào các ký tự cao độ, trường độ cố định như do, re, mi, thăng, giáng, đen, trắng, móc đơn, móc kép, chấm dôi... Họ không thể giành toàn bộ tâm lực tiếp thu các sắc thái tinh tế của tác phẩm từ ngườithầy - những sắc thái mà không thể ký hiệu hóa chính xác được trên bản nhạc. Sự bó buộc đó tất yếu sẽ làm triệt tiêu tính ngẫu hứng tại chỗ. Và, chúng ta sẽ chỉ đào tạo được những nhạc côngthuần tuý theo đúng với nghĩa của nó. Họ hầu như khó có cơ may trở thành một nghệ nhân cổ nhạc thực thụ. Ngoài ra, khi học bằng bản nhạc kiểu Tây, sự ám ảnh của thang âm bình quân với hệ thống dấu hóa của nó ít nhiều cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự cảm nhận của ngườitrò. Nó dễ tạo ra sự hiểu sai cổ truyền. Bởi thế, chỉ nên áp dụng duy nhất phương thức giảng dạy cổ truyền - một phương thức vẫn hữu dụng từ ngàn đời nay. Cũng qua đây xin nói thêm rằng trong năm 2002, người Nhật đã áp dụng phương thức này để dậy thực nghiệm nhạc cổ điển châu Âu cho trẻ em. Kết quả khả quan cho thấy việc học trực tiếp (không thông qua văn bản) không những rút ngắn thời gian truyền thụ mà còn giúp nhạc công diễn tấu truyền cảm hơn. Làm được những điều đó, chúng ta sẽ nối mạch được truyền thống dạy và học cổ nhạc trong thời đương đại. Ngoài ra, vấn đề biên chế dàn nhạc cũng cần được tôn trọng trong từng loại hình cụ thể. Hết sức tránh áp đặt các mô hình ngoại lai. Ở đây, cần hiểu rằng sự độc đáo là mục đích tôn chỉ chứ không phải sự phát triển thời đại. Trong phân nửa thế kỷ XX, việc "giao hưởng hóa" các dàn nhạc cổ nhạc với mô hình tổ bộ kèm theo phong trào cải tiến nhạc khí theo Tây phương là một bài học đắt giá của chúng ta.

Mặt khác, trên các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, cần tăng cường hơn nữa thời lượng phát sóng những chương trình chuyên biệt từng thể loại cổ nhạc nguyên bản (không cải biên). Theo điều tra sơ bộ, việc phát sóng cổ nhạc trong nhiều năm qua luôn chỉ có thời lượng rất thấp, nó không hề tương xứng với một kho tàng đồ sộ như âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Mặt khác, các tác phẩm được trình bày đều có sự "cải biên cải tiến" ít nhiều. Điều đó cũng cho ta thấy rõ quan niệm "hiện đại hoá" ăn sâu đến như thế nào vào cả những nhà sản xuất chương trình. Sự lay lắt và biến dạng của cổ nhạc trên sóng phát thanh truyền hình đã minh chứng cho điều đó. Chẳng hạn, trong suốt thời gian qua, chúng ta hầu như chỉ được xem (hoặc nghe) Quan họ cải biên với dàn nhạc đệm "xập xình". Nếu chúng tôi không lầm thì Quan họ cổ (không có nhạc cụ đệm) chỉ được phát sóng một vài lần mà thôi. Thi thoảng có một bộ phim tài liệu về cổ nhạc thì tiếng nhạc nguyên bản lại bị đè lấp bởi cái gọi là "lời bình" của biên tập viên. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cơ hội hưởng thụ của khán giả với thế mạnh vượt trội của phương tiện truyền thông đại chúng trong việc quảng bá các giá trị nghệ thuật. Nhất là âm nhạc của các tộc người thiểu số, những nơi mà người bình thường có lẽ cả đời cũng không có cơ hội tiếp cận. Đã đến lúc các "nhà đài" cần xem lại vấn đề chức năng giáo dục của hệ thống truyền thông đại chúng. Xin hãy giành cho khán giả một cơ hội! Các giá trị nghệ thuật cổ truyền cần được giữ gìn nguyên trạng, không lai tạp và cần được quảng bá. Đó là nhiệm vụ bảo tồn. Nếu chúng ta không thích thì hãy làm vì phương châm gìn giữ cho muôn đời sau!

-Vấn đề thứ hai: Phát triển vốn có nghĩa là biến đổi hoặc làm cho biến đổi từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp(4). Như thế, phải nhận thức rõ phát triển là sự thay đổi về lượng hoặc chất theo hướng tích cực.

Ở hướng phát triển về lượng, vấn đề trở nên khá đơn giản bởi khi đó động thái phát triển đồng nghĩa với việcbảo tồn trên diện rộng (tức sự phát huy các giá trị cổ truyền). Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta nhân rộng các nhóm hay đoàn nghệ thuật cổ truyền (đích thực) thì đó vừa là sự phát triển các giá trị cổ truyền về lượng đồng thời là sự phát huy các giá trị đó. Ví dụ, nếu tạo lập được vài chục nhóm hát Ca trù thì cũng có nghĩa là chúng ta bước đầu đãbảo tồn và phát huy được môn nghệ thuật này. Vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào trữ lượng các giá trị cổ truyền nguyên bản trong đó mà thôi.

Có lẽ chính vì sự phát triển về lượng đồng nghĩa với việc bảo tồn nên bấy lâu nay, chúng ta chủ yếu vẫn hiểu khái niệm phát triển theo hướng biến đổi về chất. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là hướng đi cho sự sáng tạo những giá trị mới. Thế nhưng cần phải thấy rằng trong sự phát triển - biến đổi về chất, mọi chuyện thật ra rất phức tạp. Chẳng hạn với cùng một sự biến đổi của một giá trị nghệ thuật nào đó, sẽ có hai cách hiểu khác nhau. Một cách gọi đó là sựphát triển vì cho là các giá trị được biến đổi theo hướng tích cực. Ngược lại, một cách lại gọi đó là sự thoái hóa vì cho là các giá trị bị biến đổi theo hướng tiêu cực (tức mất dần đi những phẩm chất tốt). Tuồng cải biên, Chèo cải tiến, dàn nhạc dân tộc "hiện đại"... là những ví dụ điển hình gây nhiều sự tranh cãi trong suốt mấy chục năm qua.

Vậy, thế nào là tích cực và tiêu cực? Đó là vấn đề chưa được thống nhất trong thực tiễn. Nó vốn là chuyện đau đầu của các nhà hoạt động nghệ thuật dân tộc trong suốt mấy chục năm qua khi mà "công cuộc phát triển" các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền luôn được đặt định như một nhiệm vụ hàng đầu. Liệu chúng ta có thể xác lập được một hệ quy chuẩn?

Như đã trình bày về quy luật vận động sáng tạo các giá trị nghệ thuật trong cổ truyền. ở đó, nghệ nhân nhà nghề chính là chủ thể sáng tạo. Bởi thế những sự biến đổi, sáng tạo của họ luôn đảm bảo phong cách nghệ thuật đặc trưng của từng thể loại. Nói nôm na là phải làm sao cho Chèo vẫn là Chèo, Tuồng vẫn là Tuồng... thì mới đúng! Đánh giá sự biến đổi đó tích cực hay không, đó là điều chúng tôi không lạm bàn. Chỉ biết rằng đó là chuẩn mực trong sự vận động sáng tạo của cổ truyền. Như thế, nếu muốn nối mạch truyền thống phát triểncủa cha ông, người tham gia sáng tạo nhất thiết phải có một trình độ nhà nghề về từng thể loại. Mặt khác, cần phải thấy rằng trong thực tế, mọi sự vận động sáng tạo không hẳn sẽ có nghĩa làbất tận (tức cái gì cũng phải biến đổi liên tục). Chúng tôi muốn nói đến một căn bệnh rất phổ biến trong giới những người hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam (kể cả các nhà nghiên cứu) - tạm gọi là bệnh lý thuyết vĩ mô. Đó là sự áp đặt vào văn hóa nghệ thuật quy luật đào thải theo thuyết tiến hóa. Rất nhiều người trong chúng ta thường lập luận rằng "văn hóa phải phát triển" rồi từ đó khẳng định các giá trị nghệ thuật cổ truyền cũng phải "phát triển không ngừng". Trong mọi trạng huống, lập luận đó luôn được sử dụng như một con "dao pha lý luận" để hành xử văn hóa nghệ thuật dân tộc. Điều này phần nào lý giải hiện tượng trong xã hội ta, người hô hào "bảo tồn" nghệ thuật cổ truyền thì rất ít, còn người hô hào "phát triển, cải biên, cải tiến, hiện đại hóa" thì nhiều vô kể. Trong gần 50 năm qua, chúng ta nhân danh cái gì để "đào thải" các tinh hoa nghệ thuật của cha ông? "Thời đại" ư? "Thời đại" là chính chúng ta đó chứ không phải ai khác. Cần hiểu rằng "thời đại" không phải là cái tất yếu siêu hình. Một "thời đại" như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào bản ngã và tri thức của chúng ta. Ở đây, thật ra người ta mới chỉ nhìn vào quy luật phát triển chung trên toàn bộ chứ không hiểu những quy luật riêng nội tại trong từng phần các thành tố văn hóa, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật. Cách suy diễn đó chắc chắn sẽ dẫn đến những nhận thức sai lệch. Bởi trong quá trình vận động phát triển nghệ thuật của mỗi dân tộc, tất sẽ có các giá trị được trau chuốt đến mức hoàn chỉnh - cái mà chúng ta thường gọi là sự định hình - tức không thể biến đổi nữa. Một dung lượng lớn hệ thống các giá trị định hình nghiễm nhiên được coi là giá trị cổ điển của mỗi truyền thống nghệ thuật dân tộc.

Có thể gọi đó là tính hữu hạn của sự phát triển. Trong cổ truyền, ông cha ta đã tạo dựng được cả một kho tàng các giá trị định hình trong những chủng loại nghệ thuật định hình. Đó là một kỳ tích vĩ đại trong lịch sử phát triển văn hóa nghệ thuật dân tộc. Sở dĩ cổ nhân làm được điều đó bởisự vận động sáng tạo được hiểu theo cái nghĩa là "để thêm vào" chứ không phải là kiểu "loại bỏ, làm mới" như chúng ta vẫn thực hành suốt mấy chục năm qua.

Trong nửa cuối thế kỷ XX, các khái niệm quy chuẩn cho việc phát triển kiểu "cải biên, cải tiến" nhưbỏ thô - lấy tinh, gạn đục - khơi trong, lạc hậu - hiện đại,rồi khoa học hóa, thời đại hóa... đều là những khái niệm định tính trừu tượng. Việc nhận thức và thực thi như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào vốn tri thức của từng "nhà cải tiến". Mạnh ai nấy làm, thành thử cùng một hiện tượng, người này gọi là bảo tồn, là phát triển nhưng người kia lại gọi là phá hoại. Nó cũng giống như kiểu "thật giả lẫn lộn"! Do vậy, điều rất nguy hiểm của phong trào "cải biên, cải tiến" là sự lan tỏa, bắt rễ và tạo thành một trào lưu trong xã hội. Một phong trào kiểu "người người cải biên, nhà nhà phát triển" (nhà ở đây xin được hiểu là các đoàn nghệ thuật, các nhà hát và các cơ sở giáo dục, đào tạo nghệ thuật dân tộc). Trong mấy chục năm qua, khi "hiện đại hóa" nghệ thuật sân khấu, nhiều "nhà cải biên" đã từng tranh cãi kịch liệt rằng tác phẩm của họ mới là cổ truyền, còn của người khác là kịch pha ca(5)! Trong các cuộc hội thảo, hội diễn nghệ thuật dân tộc cũng như trên báo chí, cuộc tranh cãi "không ai thắng ai" đó rất phổ biến. Câu chuyện đó càng cho thấy rõ sự sai lầm khi chúng ta lẫn lộn giữa hai nhiệm vụ bảo tồn và phát triển vốn cổ cha ông. Đó là một bài học lớn trong quá khứ. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta cần hoạch định lại chính sách bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền theo các hướng chuyên biệt.

Mặt khác, ở đây chúng tôi xin thử lật ngược vấn đề. Rằng nếu chúng ta không phát triển (biến đổi về chất) các giá trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc thì sao? Hình như trên thế giới, đối với các giá trị nghệ thuật cổ truyền của mỗi cộng đồng dân tộc, người ta không chú trọng và đầu tư quá mức vào việc này, nhất là kiểu "loại bỏ, làm mới" để "hiện đại hóa" như chúng ta đã thực thi. Chẳng hạn ở những nước phát triển, người ta không hề có ý định cải biên các tác phẩm trong kho tàng nghệ thuật cổ truyền như âm nhạc cổ điển châu Âu, Kinh kịch của Trung Quốc hay Kịch Nô Nhật Bản..v.v.. Tất cả các tác phẩm đều được họ bảo tồn nguyên vẹn với một hệ thống đồ sộ các nhà hát, đoàn nghệ thuật hay các nhạc viện. Những di sản luôn được quảng bá và tôn vinh trong hệ thống giáo dục đại chúng. Theo đó, mỗi loại hình đều duy trì được truyền thống thưởng thức với một lượng khán giả nhất định. Hơn thế nữa, sự quảng bá của họ không chỉ diễn ra trong phạm vi mỗi quốc gia mà còn lan tỏa ra thế giới. Ví dụ, một sinh viên Mỹ có thể học nhạc Cung đình Nhật Bản hay nhạc cổ truyền Ấn Độ, Trung quốc... tại trường đại học ở Mỹ và sau đó đi biểu diễn khắp thế giới; Hay những ví dụ về sự quảng bá âm nhạc cổ điển châu Âu là rõ hơn cả. Bởi Việt Nam là một trong những nước góp phần bảo tồn và phát huy các tác phẩm của Đức, Nga, Pháp hay Ba lan v.v… Đối với thế giới, trong thời đại ngày nay, các di sản nghệ thuật cổ truyền của mỗi quốc gia đều được coi là tài sản chung của nhân loại. Và, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị ấy được coi như nhiệm vụ tất yếu của mỗi nước. Đó là một thực tế được công nhận. Như vậy, phải chăng mô hình "phát triển, hiện đại hóa" các di sản nghệ thuật cổ truyền dân tộc với hệ thống thiết chế đồng bộ như ở Việt Nam là "quá độc đáo"?
Trong mỗi cộng đồng dân tộc, trên con đường phát triển, giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài, việc tạo ra những sản phẩm quái dị, nhăng nhố là điều khó tránh khỏi. Vốn liếng ngàn năm của tổ tiên thì hữu hạn. Vì vậy, có lẽ chúng ta không nên mạo hiểm đem các giá trị đó ra để thử nghiệm bằng những "sáng tạo" của "thời đại". Những "sáng tạo" mà trên thực tế đã và đang là sự đục đẽo, lai ghép với Tây phương. Theo đó, chúng ta không nên bao cấp toàn phần cho cho sự nghiệp sáng tạo, phát triển các giá trị nghệ thuật cổ truyền. Trong nhiều chục năm qua, nhà nước đã rót quá nhiều tiền của vào việc này. Hàng năm, mỗi đoàn nghệ thuật dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc dân tộc...) đều được đầu tư hàng trăm triệu đồng để tiếp tục dàn dựng những tác phẩm "hiện đại". Đấy là điều hết sức lãng phí. Bởi trên thực tế, các sáng tạo mới đó cũng thường "chết yểu" vì không có khán giả. Chúng tôi thường nói vui rằng đằng nào Nhà nước cũng phải "nuôi sống" các đoàn nghệ thuật dân tộc, vậy chi bằng hãy sử dụng đồng tiền một cách hữu ích hơn! Thậm chí với những khó khăn về kinh tế hiện nay, nên chăng chúng ta hãy "thanh lý" bớt những khoản đầu tư đó để dành nguồn lực cho sự nghiệp bảo tồn. Với thực trạng hiện tại, đây là một sự nghiệp chắc chắn đòi hỏi rất nhiều tiền của và sức lực của chúng ta. Mặt khác, cũng đã đến lúc nên mở một cuộc tổng điều tra toàn bộ hệ thống các đoàn, các nhà hát và các trường nghệ thuật âm nhạc, sân khấu để xem xét lại sự cân đối nói chung. Bởi so với mô hình đặt định văn hóa nghệ thuật của các nước phát triển, chúng ta "vừa thừa, vừa thiếu". Thừa cái gì thì chắc hẳn mọi người đều thấy rõ. Còn chắc chắn là thiếu những trung tâm bảo tồn thực thụ (chúng tôi nhấn mạnh) các giá trị nghệ thuật âm nhạc, sân khấu cổ truyền dân tộc. Đây là chuyện hết sức tế nhị song chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật!

Ngoài ra, trong sự phát triển âm nhạc dân tộc, chúng ta không nên sử dụng khẩu hiệu "hiện đại hóa" để tránh những lầm lẫn không đáng có. Đã đến lúc chúng ta cần mở rộng tầm nhìn ra cộng đồng thế giới để xem lại cái gọi là giá trị "mới, thời đại, quốc tế, hiện đại" mà chúng ta đã vươn tới trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật âm nhạc dân tộc ở nửa cuối thế kỷ XX. Bởi trên thực tế, các giá trị "mới, hiện đại" mà chúng ta đạt được chủ yếu là hệ thống các giá trị nghệ thuật cổ truyền của phương Tây. Có lẽ nào tình trạng "cũ người - mới ta" trong lĩnh vực nghệ thuật lại là động lực cho sự phát triển nền nghề thuật của chúng ta trong thế kỷ XXI?!
*
Kho tàng âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam là một trong những tài sản vô giá của dân tộc. Hiện nay trên thế giới, sự hiện diện một nền cổ nhạc với sự đa dạng về chủng loại như ở Việt Nam là điều rất quý hiếm. Giá trị lịch sử quan trọng của cổ nhạc Việt Nam chính là ở chỗ đó. Bảo tồn nó trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại là một trách nhiệm rất nặng nề của chúng ta. Trong quá trình thực thi, để đạt được mục đích đã đề ra, vai trò chỉ đạo trực tiếp của các nhà nghiên cứu là đặc biệt quan trọng trên từng đầu việc cụ thể. Sửa chữa những sai lầm trong quá khứ để phục hưng những di sản của nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, điều đó tuy khó nhưng không phải là việc bất khả thi. Theo kinh nghiệm bản thân tôi, tôi nhận thấy cái khó nhất là chúng ta cần phải thay đổi quan niệm, thay đổi cách nhận thức về văn hóa - nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Cho đến nay, sự đầu tư nguồn lực giữa hai nhiệm vụ bảo tồn và phát triển âm nhạc cổ truyền của chúng ta quá thiên lệch. Nhà nước còn nghèo, vì vậy cần thận trọng khi đầu tư cho công cuộc phát triển (theo hướng biến đổi về chất). Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và có nhiều phần tế nhị!

Trong cuộc sống của chúng ta, thói tự ti dân tộc vốn không phải là hiện tượng “hiếm có, khó tìm”. Nó thường lẩn quất đâu đó ngay cạnh lòng tự tôn dân tộc. Nó như một thói xấu vô hình, lúc ẩn lúc hiện trong mỗi con người. Nó thường chợt trỗi dậy khi chúng ta bị “hoa mắt” trước các giá trị văn hóa - nghệ thuật nước ngoài. Đặc biệt là khi các giá trị đó được gán cho cái mác “thế giới, quốc tế” hay “thời đại, hiện đại”... Trong văn hóa, thói tự ti dân tộc đặc biệt nguy hiểm vào lúc nó núp dưới cái bóng tự tôn dân tộc. Chẳng hạn, khi người ta muốn học tập văn hóa nước ngoài để những mong “làm giàu thêm và nâng cao” văn hóa dân tộc thì đấy chính là lúc người ta thường vô tình coi vốn liếng các giá trị dân tộc cổ truyền là nghèo và thấp. Bởi cái lẽ thường là nghèo thì mới phải làm giàu và thấp thì mới phải nâng cao. Tất nhiên, công cuộc “làm giàu và nâng cao” theo lối bỏ cái của ta để lấy cái của họ chắc chắn sẽ đánh mất dần các giá trị cổ truyền. Các khâu của một quá trình nghệ thuật bao gồm: sáng tạo, phân phối, lưu truyền và hưởng thụ sẽ biến đổi đến tận gốc rễ theo thời gian.

Hiện tại, nếu chỉ nhìn bề ngoài, người ta sẽ tưởng rằng Việt Nam vẫn còn “đủ thứ, đủ loại, nào là Tuồng, Chèo, Cải lương, Quan họ, Hát văn, Ca trù, Ca Huế, Hát Xẩm, Hát Xoan... cùng là hò vè các loại, có mất mát gì đâu. Thật ra, chỉ có bắt tay vào điều tra, nghiên cứu, phân tích thì mới thực sự biết được rằng chúng ta đã mất những gì, sắp mất những gì và chỉ còn những gì ở thời hiện tại! Bây giờ, đi tìm lại nhiều giá trị cổ nhạc của một thời hoàng kim, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc thường xuyên rơi vào tình trạng “mò kim đáy bể, biết tìm nơi đâu”. Bởi các nghệ nhân lão thành đã vĩnh viễn mang theo những giá trị đó về bên kia thế giới. Theo đó, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đã không còn cơ hội để hưởng thụ rất nhiều giá trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Những giá trị mà mới chỉ cách đây khoảng 40 năm vẫn còn hiện hành trong đời sống nghệ thuật dân tộc. Những giá trị mà ông cha ta đã dày công đúc kết từ ngàn xưa chứ không phải sáng tạo trong một sớm một chiều. Giá mà người ta hiểu rằng nếu thế hệ trước không muốn nghe, không muốn học thì hãy bảo tồn để cho các thế hệ sau tiếp nhận nó. Bởi các giá trị nghệ thuật cổ truyền không phải là những thứ mà chúng ta có thể làm sống lại khi cần!

Trong thế kỷ XX, dù muốn nói gì đi chăng nữa thì tư tưởng phủ định các giá trị nghệ thuật cổ truyền là phong kiến, lỗi thời, lạc hậu... vẫn đồng nghĩa với thói tự ti dân tộc. Đó là điều không thể chối cãi. Trên tầm vĩ mô, chúng ta đã và đang góp nhiều công của để lưu truyền những giá trị nghệ thuật âm nhạc cổ điển châu Âu bằng hệ thống các nhạc viện trong cả nước. Hơn thế, các tác phẩm đó được bảo tồn một cách nguyên vẹn mà không hề bị cải biên. Như thế,ta đã làm giúphọ hai nhiệm vụ quan trọng là bảo tồn và phát huy cũng như kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền của họ. Trong khi đó, chúng ta lại không có ý thứcbảo tồn nguyên vẹn kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đó là một điều hết sức phi lý. Liệu họ có bỏ công sức, tiền của để học cho giống ta và làm hộ ta cái việc mà ta đã làm giúp họ? Hơn nữa, mỗi người trong chúng ta chắc hẳn ít ai để ý rằng đứng trên phương diệnvăn hóa - nghệ thuật, sự hội nhập của ta với họ trong thế kỷ XX chủ yếu diễn ra theo một chiều yếu thế.Ta cố gắng phấn đấu học tập các giá trị văn hóa - nghệ thuật của họ để giốnghọ (tức hội nhập với họ) trong khi họ hình như không làm như vậy!? Ở đây, theo quan điểm của chúng tôi, cái lớn nhất mà lẽ ra ta nên học tập họ chính là công cuộc bảo tồn và phát huy hệ thống các trị nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Sự trường tồn của các kho tàng văn hóa nghệ thuật cổ truyền của họ như nền âm nhạc cổ điển châu Âu, Kinh kịch của Trung quốc, Nhạc Cung đình, Kịch Nô của Nhật Bản, Nhạc Cung đình Triều Tiên v.v… là điều mà chúng ta nên suy ngẫm. Bảo tồn nguyên vẹn kho tàng nghệ thuật cổ truyền Việt Nam - đó mới chính làsự hội nhập quan trọng với thế giới trong thời đại hiện nay. Hơn nữa, với những bài học trong quá khứ, chúng ta cần tránh áp đặt khái niệm hiện đại hóa trong khoa học kỹ thuật vào văn hóa nghệ thuật. Trong khoa học kỹ thuật, đúng là ta nênhiện đại hóa theo họ (tức giống họ). Còn trong văn hóa- nghệ thuật thì khác hẳn. Đặc biệt là với kho tàng nghệ thuật cổ truyền dân tộc, ta càng bảo tồn được nguyên vẹn bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Bùi Trọng Hiền

Đã đăng trên Báo Nhân dân điện tử các ngày 15, 17 và 19.1.2007
_______________________
1. Xin xem Lê Hanh Thông - Nguyễn Lam Sơn,Suy nghĩ về chỗ đứng của Tuồng qua con mắt người xem, tạp chí Sân khấu, số 3/1985.
2.Từ điển tiếng Việt, NXBĐà Nẵng - TT Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 1997.
3. Xin xem Tô Ngọc Thanh, Chèo và Chèo cải tiến, tạp chíSân khấu, số 119/1990.
4.Từ điển tiếng Việt, NXBĐà Nẵng - TT Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 1997.
5. Xin xem Đỗ Ngọc Thạch, Vấn đề kế thừa truyền thống để xây dựng Tuồng hiện đại, tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 3/1983.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét